Xem Bói Chính Xác Nhất

NGƯỜI BIẾT TU

NGƯỜI BIẾT TU

Thật sự đã học Phật, bất luận chúng sanh làm sai điều gì, thậm chí làm tổn thương chính mình. Chẳng hạn như hủy báng, sỉ nhục, hãm hại, tất cả đều nhẫn chịu. Vì sao phải nhẫn chịu? Tôi muốn tiêu nghiệp chướng, nghiệp chướng chướng ngại tự tánh của tôi.

Tôi không thể minh tâm kiến tánh, chính là vì có nghiệp chướng, cảnh giới hiện tiền tức là nghiệp chướng hiện tiền.
Thiện duyên, người tốt, thuận cảnh, cảnh giới tốt, xứng tâm như ý, cảnh giới này hiện tiền, phải chăng là nghiệp chướng? Là nghiệp chướng. Cảnh giới này hiện tiền, quý vị hoan hỷ, hoan hỷ liền muốn khống chế, liền muốn chiếm hữu, đây không phải là nghiệp chướng hiện tiền ư? Thanh tịnh bình đẳng giác không còn nữa. Trong thuận cảnh phải đối đãi bằng tâm bình đẳng, đừng để trong lòng, trong tâm chỉ có kinh giáo của Như Lai, chỉ có Phật A Di Đà. Vậy là đúng, nghiệp chướng tiêu trừ.

Nghịch cảnh, ác duyên, hoàn cảnh không tốt, ta ở trong này chịu khổ chịu nạn. Ác duyên, gặp toàn người ác, đều oán hận, ghét, sỉ nhục, hãm hại quý vị, đây là ác duyên. Trong hoàn cảnh này, rất dễ sanh tâm sân nhuế, sanh tâm oán hận, nghiệp chướng khởi hiện hành. Làm sao có thể ở trong cảnh giới này, vẫn dùng thanh tịnh bình đẳng giác, không bị hoàn cảnh bên ngoài quấy nhiễu. Đây gọi là tu hành chơn chánh, nghiệp chướng tiêu trừ. Cho nên phải hiểu, bất luận hoàn cảnh nào, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, người biết tu là ngày ngày đang tiêu nghiệp chướng, khắp nơi đang tiêu nghiệp chướng, mọi lúc đang tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu hết, trí tuệ liền hiện tiền. Là việc tốt, không phải việc xấu. Không biết tu, trong hoàn cảnh này nghiệp chướng tăng trưởng. Tánh đức hoàn toàn bị che đậy, không hiện lộ được, hiển lộ ra toàn là tập khí phiền não. Như vậy, quả báo đời sau trong ba đường ác. Người biết tu, bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều không để trong lòng. Đều đối đãi bằng tâm thanh tịnh, đối đãi bằng tâm bình đẳng, đối đãi bằng tâm biết ơn.

Những gì học tập được trong kinh giáo, phải thực hành trong cuộc sống. Nếu kinh giáo thoát ly khỏi cuộc sống, tập khí phiền não không hề giảm nhẹ, kinh điển chỉ là một chút tri kiến đầu lưỡi, không khởi tác dụng. Đáng sanh tử như thế nào vẫn là sanh tử như thế đó, không hề liên quan đến liễu sanh tử xuất tam giới, đoạn phiền não sanh bồ đề. Đây là không biết học.

Trong đời này tôi từng thấy rất nhiều. Người biết học, quả thật không nhiều, vô cùng hy hữu. Người không biết học, gọi là tu luyện một cách mù quáng, quả thật rất nhiều. Không phải Phật pháp không linh, mà ta học sai, ta không biết học.
Câu “đối với các hữu tình, thường dùng từ nhẫn làm hoài bão”, chúng ta có làm được chăng? Nó quá quan trọng, như vậy mới gọi là tấm lòng Bồ Tát. Lòng dạ vốn có của quý vị đều tự cho mình hơn người, người khác đều không bằng mình. Cảm giác ưu việt, tâm trạng ngạo mạn khinh thị người khác, đó là lòng dạ gì? Là lòng dạ của ba đường ác. Học Phật tạo tội nghiệp của ba đường ác, vẫn phải đọa vào ba đường ác.

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Nam mô a di đà phật